GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4/2024
CUỐN SÁCH : NHẬT KÍ ĐẶNG THÙY TRÂM
Các em thân mến!
“” Đức Phổ lúc bấy giờ là một trong những huyện ác liệt nhất ở chiến trường khu Năm…B52 đầm nát một vùng bán sơn địa ngang dọc chỉ vài chục cây số …Mà trên cái vùng đất ghê gớm , suốt hàng chục năm trời vẫn tồn tại bám trụ một bệnh xá nhỏ nhoi vô danh, gan lỳ bất khuất. Và chỉ huy cái bệnh xá ấy là một cô gái một bác sĩ trẻ người Hà Nội… Chị tên Trâm…Chị chỉ huy cái bệnh xá ấy trụ bám đến gan lỳ, kỳ quặc suốt mấy năm trời trên vùng đất hẹp đã bị đánh nát như băm ấy…cho đến ngày chị hy sinh “ Trích Có một con đường mòn trên biển của Nguyên Ngọc. Hướng tới chào mừng kỉ niệm Ngày giải phóng Miền nam thống nhất đất nước 30/4/1975, Thư viện trường THCS Hiệp Lực xin giới thiệu đến các em học sinh cuốn sách "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" do NXB Hội Nhà Văn ấn hành, dày 321 trang, khổ 13x20,5cm.
Đại văn hào Nga M.Gorki đã viết: "Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ - anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?". Đúng vậy, phụ nữ là nửa thế giới. Bất kỳ trong hoàn cảnh, công việc, nơi đâu ta cũng đều thấy bóng dáng của người phụ nữ.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có một người con gái tên là Đặng Thuỳ Trâm - tác giả của những trang nhật ký "có lửa" gây xúc động lòng người, tái hiện cuộc chiến tranh khốc liệt của nhân dân ta chống xâm lược cũng như ghi lại những diễn biến xúc cảm của người con gái Hà Nội cương nghị, thủy chung, trong sáng thánh thiện trong suốt chặng đường chiến đấu và làm việc với vai trò là nữ bác sĩ ở chiến trường.
Cuốn sách "Đặng Thuỳ Trâm" thu hút người đọc ngay từ những trang đầu qua lời giới thiệu và câu chuyện về những tấm lòng đã kể lại số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký. Trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ ấy cuốn nhật ký đã vô tình rơi vào tay một người lính Mỹ để rồi đúng vào dịp kỉ niệm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30/4/2005, nó đã trở về với gia đình liệt sĩ. Hiện cuốn nhật kí được lưu giữ tại Viện lưu trũ về Việt Nam, Texas, Mỹ.
Cuốn nhật ký gồm hai phần chính:
- Phần I: Những ngày rực lửa
- Phần II: Những tư liệu ảnh
Tốt nghiệp trường Đại học Y Khoa Hà Nội năm 1966, Đặng Thuỳ Trâm xung phong đi vào tận chiến tuyến Đức Phổ, Quảng Ngãi khi tuổi đời còn rất trẻ. Ở đó, chị làm công việc đặc trưng của một người phụ nữ trong chiến tranh là phụ trách một bệnh viện huyện. Chị đi với niềm tin chiến thắng, đó là niềm tin thánh thiện của những người lính, những người tham gia chiến tranh không phải chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm ao ước, niềm vinh dự mà họ cảm nhận phải dành bằng được cho mình.
Những dòng nhật ký ngắn gọn mà tha thiết làm toát lên toàn bộ ý chí bất khuất, kiên cường của người con gái căng tràn nhiệt huyết tuổi hai mươi, lý tưởng sống của chị tất cả vì nền độc lập tự do của dân tộc. Khát vọng của Đặng Thuỳ Trâm cũng là khát vọng của hàng triệu triệu con người Việt Nam. Mong ước có một ngày đất nước khỏi phải quằn quại dưới bom đạn quân thù, một ngày hoà bình lập lại trên quê hương vì vậy chị hết lòng tận tụy với công việc, chăm lo cho bệnh nhân đến từng chi tiết nhỏ, lo lắng cho các thương binh bị đói và rét. Mỗi lần có ca tử vong, lòng chị lại đau quặn thắt, bất lực. Đặng Thuỳ Trâm ghi lại trong trang nhật ký của mình: "Ngày 8/4/1968 mổ một ca ruột thừa trong điều kiện thiếu thuốc, thuốc giảm đau chỉ có vài ống nhưng người thương binh trẻ không hề kêu la một tiếng, anh còn cười động viên mình - nhìn nụ cười gượng trên đôi môi khô vì mệt nhọc, mình thương anh vô cùng..."
"Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" đã trở thành cuốn sách nổi tiếng không chỉ được độc giả Việt Nam đón nhận như một biểu tượng sáng ngời về đức hy sinh, tình yêu tổ quốc của người phụ nữ Việt Nam mà ảnh hưởng của nó đã vượt qua biên giới với sự cảm hoá mạnh mẽ vì những trang nhật ký của chị thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình yêu tổ quốc. Chị vào chiến trường miền nam phục vụ với phương châm của lớp thanh niên thời đó "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh".
Đây là cuốn nhật kí viết trong chiến tranh bạn đọc trẻ sẽ hỏi: “Lại cho chúng tôi một tấm gương để bảo chúng tôi học theo chứ gì?” Không đâu bạn ạ. Ở đây bạn sẽ không tìm thấy lời khuyên nhủ mà chỉ bắt gặp một con người với cuộc sống cụ thể của thời chiến. So với lớp thanh niên ngày nay, người thanh niên của mấy chục năm về trước có một cách sống khác, một cách sống không lắm chiều cạnh phong phú, không tự do nhiều vẻ nhưng lại trong sáng thánh thiện đến kì lạ. Sự tận tụy làm người của Thùy Trâm là nhân tố khiến những người lính Mỹ khác hẳn về lý tưởng cũng phải kính trọng. Chúng ta là những thế hệ con cháu được thừa hưởng cuộc sống hoà bình, độc lập, được sống, học tập và tu dưỡng dưới mái trường thân thiện thì những dòng nhật ký của nữ bác sĩ- liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm rất cần thiết với chúng ta. Nó như động lực thúc đẩy chúng ta phải cố gắng học tập và rèn luyện để xứng đáng với sự mất mát, hy sinh của các thế hệ đi trước.
Thư viện xin trân trọng giới thiệu cuốn sách trên.
Hiệp Lực, ngày 5 tháng 4 năm 2024
TM NHÀ TRƯỜNG CÁN BỘ THƯ VIỆN
Vũ Thị Anh Phan Thị Thảo
|