TRƯỜNG THCS HIỆP LỰC
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 03/2025
GIỚI THIỆU SÁCH: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Các em thân mến!
Sinh năm 1955 tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Nhật Ánh- Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ, là cái tên rất đỗi thân quen với bạn đọc, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi. Nguyễn Nhật Ánh từng tâm sự: “Tuổi thơ đối với tôi là một thế giới đầy ám ảnh. Tôi luôn bắt gặp mình thổn thức khi nhớ về những ngày thơ ấu. Ấy là tôi đã nhận ra mình ở quá xa sân ga tuổi nhở. Và tôi viết những cuốn sách để kéo chúng lại gần…”.
Hôm nay cô trân trọng giới thiệu đến các em cuốn sách: “ Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”của Nguyễn Nhật Ánh do nhà xuất bản Trẻ ấn hành 2016 gồm 215 trang.

Các em thân mến!
Trên một chuyến tàu đặc biệt được làm bằng kỷ niệm, một người đàn ông quay trở lại thăm thời thơ ấu của mình, những trò tinh nghịch, những suy nghĩ rất trẻ thơ được kể lại với giọng văn trong trẻo, nhẹ nhàng và hài hước. “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt. Năm đó tôi tám tuổi… Đó là cái ngày không hiểu sao tôi lại có ý nghĩ rằng cuộc sống không có gì để mà chờ đợi nữa… Vẫn ánh mặt trời đó chiếu rọi mỗi ngày. Vẫn bức màn đen đó buông xuống mỗi đêm… Nói tóm lại, cuộc sống thật là cũ kỹ. Cuộc sống của tôi còn cũ kỹ hơn nữa. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, tôi đã biết tỏng ngày mai những sự kiện gì sẽ diễn ra trong cuộc đời tôi.” Đó là đoạn trích trong chương đầu tiên của tác phẩm có tiêu đề: Tóm lại là đã hết một ngày. Một ngày của cu Mùi- nhân vật chính là cố thức dậy vào buổi sáng, đánh răng, rửa mặt và đi học. Là bữa ăn và giấc ngủ bị ép buộc vào buổi trưa. Là việc vệ sinh thân thể và ngồi vào bàn học bài đến khi ngủ gục trên bàn vào buổi tối. Không chỉ với cu Mùi, mà với Hải cò, con Tý sún, con Tủn mà có lẽ với nhiều đứa trẻ khác vào năm chúng tám tuổi ngày nào cũng trôi qua như thế.Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ xuất bản năm 2008 cũng nằm trong mạch suy nghĩ đó. Tác phẩm được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008 và đoạt giải thưởng văn học ASEAN năm 2010.
“ Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”của Nguyễn Nhật Ánh gồm 12 chương:
Chương 1: Tóm lại đã hết một ngày.
Chương 2: Bố mẹ tuyệt vời.
Chương 3: Đặt tên cho thế giới.
Chương 4: Buồn ơi là sầu.
Chương 5: Khi người ta lớn.
Chương 6 : Tôi là thằng cu Mùi.
Chương 7 : Tôi ngoan trong bao lâu.
Chương 8:Chúng tôi trở thành lũ giết người như thế nào.
Chương 9: ai có biết bây giờ là mấy giờ rồi không.
Chương 10: Và tôi đã chìm
Chương 11: Trang trại chó hoang
Chương 12: Và cuối cùng là chuyến tàu không có người soát vé.
Những gì bọn trẻ nghĩ, bọn trẻ làm trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ ít nhiều đã khắc họa trọn vẹn một thế giới ngây thơ, trong sáng và cũng không kém phần u sầu, nổi loạn. Chúng cho rằng: Học bài là lêu lổng; chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn mới là con ngoan. Với chúng 2 lần 4 là mấy cũng được nhưng không phải là 8…
Đó có thể là mong muốn đặt tên cho thế giới, cu Mùi và 3 đứa trẻ khác đã dùng trí tưởng tượng biến cái gối thành búp bê, con chó thành bàn ủi, biến cái nón thành cuốn tập, gọi cái đầu là cái chân và thằng bạn thân là Thầy hiệu trưởng… và đằng sau cái trò chơi kì quặc ấy của bọn trẻ là: “…Muốn thay đổi một cách gọi, thậm chí nếu được thì đặt tên lại cho cả thế giới, chỉ với một mục đích hết sức tốt đẹp là làm cho thế giới mới mẻ, tinh khôi như được sinh ra lần nữa…”
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ tác giả đã khéo léo đan cài giữa suy nghĩ trẻ thơ với suy nghĩ của người lớn: “…Người lớn cũng rất thích chơi trò này, tất nhiên với một mục đích hoàn toàn khác… gọi hối lộ là tặng quà trên mức tình cảm, gọi những hành vi sai trái là thiếu tinh thần trách nhiệm, gọi tham ô là thất thoát gây hậu quả nghiêm trọng… Mục đích của sự đánh tráo khái niệm này là đẩy vô chỗ mù mờ những gì đang vô cùng sáng rõ… và minh bạch đến mức dù muốn cũng không ai có thể hiểu khác đi…”. Nếu vậy thì xem ra trẻ con ngây thơ và trong sáng hơn nhiều.
Xuyên suốt tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là những trò nghịch ngợm, những suy nghĩ rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo của những đứa trẻ mà người lớn thường cho là “trò trẻ con”. Nhưng qua đó, để những độc giả đang làm cha mẹ phải ngỡ ngàng nhận ra rằng: đôi khi mình đã sai khi cho tự bản thân cái quyền phán xét con trẻ. Có ý kiến độc giả cho rằng những đứa trẻ trong truyện đã mở cả một phiên tòa phán xét người lớn. Phiên tòa ấy phản ánh rất thật, rất đúng nguyện vọng và chính đáng của tuổi thơ: đó là sự công bằng.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, nhà văn tặng mỗi người đọc một tấm vé để lên chuyến tàu đặc biệt, để mỗi người “…Có thể trở về thăm tuổi thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay nói khác đi lúc mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách kỳ diệu”
Với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”.
Cuốn sách chính là tấm vé trở về tuổi thơ của bạn, và dĩ nhiên trên con tàu ấy, sẽ không có một ai là người soát vé…!
Cuốn sách nằm trong tủ sách tham khảo tại thư viện trường. Rất mong các em đón đọc.
Hiệp Lực, ngày 27 tháng 02 năm 2025
TM NHÀ TRƯỜNG CÁN BỘ THƯ VIỆN
Vũ Thị Anh Phan Thị Thảo